Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Nhu cầu và xu hướng mới trong phát triển du lịch” sáng 31/5, do Tổng cục Du lịch tổ chức. Bà Đỗ Thị Thanh Hoa, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch cho biết xu hướng sử dụng dịch vụ internet để ra quyết định cho các chuyến đi ngày càng gia tăng.
Hơn 40% các lệnh tìm kiếm du lịch trực tuyến được thực hiện từ điện thoại cầm tay, 66% đơn hàng được đặt trong năm 2014, theo khảo sát của Resonance Consultancy. Bà Hoa cho rằng cách mạng công nghệ 4.0 đang đặt ra yêu cầu ngành du lịch Việt Nam cần nhanh chóng phát triển theo hướng số hóa thành du lịch thông minh với hỗ trợ của công nghệ, để tạo ra và cung cấp những dịch vụ tốt nhất cho du khách.
Du khách có thói quen tra cứu thông tin trên mạng và tự tổ chức chuyến đi.
Đồng tình với nhận định trên, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Transviet minh chứng từ khảo sát của dịch vụ nghiên cứu thị trường Việt Nam Q&Me, tới 88% khách du lịch tra cứu thông tin qua mạng. Trong đó 35% thường xuyên sử dụng internet để tìm kiếm thông tin du lịch.
Theo Google Trends, từ khóa “du lịch” được tìm kiếm tăng 3 lần trong 5 năm gần đây. Các thông tin du lịch trong nước được tìm kiếm nhiều liên quan đến kinh nghiệm đi du lịch, địa điểm, nhà hàng, khách sạn…
“Phần lớn du khách muốn tự tổ chức chuyến đi. Tỷ lệ này là 92% khi đi du lịch với bạn bè, và giảm xuống khi đi với gia đình, nhưng vẫn chiếm tới 62%. Một trong những nguyên nhân là sự phát triển của thông tin trên internet, dịch vụ đặt vé máy bay đã dễ dàng hơn”, ông Đạt cho hay.
Là thành viên tổ viết báo cáo Công nghệ 4.0, Bộ Khoa học Công nghệ, ông Nguyễn Thế Trung cho rằng năm 2017-2020 là giai đoạn du lịch Việt Nam bùng nổ khi công nghệ thông tin là công cụ phát triển kinh doanh và được ứng dụng tích hợp. Sau 2020 là giai đoạn du lịch Việt Nam hòa nhập toàn cầu khi công nghệ thông tin là công cụ chiến lược để cạnh tranh và có mặt ở mọi nơi, tập trung vào các dịch vụ thông minh.
Ông Trung khuyến nghị để tiếp cận cách mạng 4.0, du lịch cần nâng cao năng lực, đặc biệt là năng lực cạnh tranh để đưa ra các kế hoạch chiến lược phù hợp. Trên cơ sở này, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả, tạo môi trường hệ sinh thái du lịch thông minh. Trong đó, bắt đầu từ việc cơ bản nhất là số hóa dữ liệu.