1. Giới thiệu tổng quan về Điện Kremli
Nhắc đến nước Nga là nhắc đến Điện Kremli bởi công trình này đại diện cho kiến trúc, lịch sử nước Nga. Điện Kremli rất lộng lẫy và hoành tráng, là một trong những công trình cổ nhất ở Matxcơva. Ngày nay Điện Kremli là nơi làm việc của Tổng thống Nga và các cơ quan tối cao thuộc chính quyền Nga.
Từ năm 1955, Kremli mở cửa cho khách vào tham quan và trở thành một viện bảo tàng ngoài trời.
Điện Kremli được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1990.

2. Lịch sử hình thành Điện Kremli
Năm 1156 trên khu vực Kremli ngày nay người ta đã xây dựng những công trình quân sự đầu tiên với chiều dài tổng cộng khoảng 700 mét. Mãi đến năm 1331, nơi đây mới được đặt tên là Kremli.
Cuối thế kỷ 13, đầu thế kỷ 14 người ta đã xây dựng những nhà thờ bằng đá đầu tiên tại đây.
Vào thế kỷ 15, Đại công tước Ivan III tổ chức việc tái thiết Kremli và đã mời rất nhiều kiến trúc sư, nhà xây dựng có tiếng từ Ý sang thực hiện công việc này. Các công trình dần được hình thành như Quảng trường Sobornaya, nhà thờ Uspensky, nhà thờ Blagoveshchensky, cung điện Granovitaya, tháp chuông Ivan Veliky.
Trong giai đoạn 1485 – 1495, các công trình pháo đài của Kremli được xây dựng lại. Các tường thành và tháp canh mới cao hơn và dày hơn trước đây, được ốp bằng gạch đỏ. Tường kéo dài đến 2.235 m với chiều dày thay đổi từ 3,5 đến 9 m, lỗ châu mai “đuôi én” kiểu Ý đặc biệt.

Đại cung điện Kremli (Grand Kremlin Palace) là một công trình tương đối mới, được xây dựng bởi Nga hoàng Nicholas I vào năm 1837, nhưng mãi đến năm 1849 mới hoàn thành.
Với sự ra đời của chế độ Xô Viết thì Kremli trở thành một trong những biểu tượng của chế độ mới. Giai đoạn 1935 – 1937 những con đại bàng hai đầu, đã được thay thế bằng các ngôi sao hồng ngọc, đường kính 3 – 3,75 m.
Giai đoạn 1959 – 1961 người ta xây dựng Cung Đại hội Kremli, có dáng vẻ như một phòng hòa nhạc hiện đại, với phác thảo hình chữ nhật phủ đá hoa cương biểu hiện bằng các tháp hẹp và thân cột nhiều tầng gồm các tấm kính.
Hiện nay, Điện Kremli là nơi làm việc của chính phủ Nga.
3. Kiến trúc Điện Kremli
Kremli là một tam giác không cân đối, diện tích 275.000 m² (68 mẫu Anh).
Quảng trường Sobornaya (quảng trường nhà thờ) là trung tâm của Kremli. Quanh nó có các nhà thờ.
Nhà thờ Uspenskii (Đức Mẹ lên trời) được hoàn thành năm 1479 để trở thành nhà thờ chính của Matxcơva và là nơi tất cả các Sa hoàng Nga lên ngôi. Nhà thờ có mặt tiền bằng đá trắng với 5 mái vòm bằng vàng.
Nhà thờ Blagoveshchenskii (Lễ Truyền tin) được hoàn thành vào năm 1489, có ba vòm được mạ vàng. Đến thế kỷ sau, nhà thờ này được xây dựng lại thành chín vòm.
Ở phía đông nam của quảng trường Sobornaya là nhà thờ Arkhangelskii (1508) – nơi trên 50 thành viên của hoàng tộc Nga được chôn cất.
Ở đây còn có hai nhà thờ của các tổng giám mục và giáo trưởng Matxcơva là Nhà thờ Mười hai Thánh tông đồ và nhà thờ một mái vòm Phế truất Đức mẹ đồng trinh.

Bên trong cung điện Kremli
Công trình xây dựng cổ nhất còn tồn tại là Cung điện Granovitaya (1491), là nơi giữ các ngai vàng, do Ivan III ra lệnh xây dựng. Công trình cổ thứ nhì là cung điện Teremnoi.
Hai cung điện này được liên kết bởi Đại cung điện Kremli. Nó được Nicholas I ra lệnh xây dựng năm 1837 và là công trình xây dựng lớn nhất tại Kremli. Đại cung điện Kremli có các gian tiếp đón xa hoa lộng lẫy, cầu thang gác đỏ, các phòng riêng cho Sa hoàng.
Phần tây bắc của Kremli là Cung điện Oruzheinaya, hiện nay là viện bảo tàng đặt các y phục vua chúa Nga và là nơi đặt Quỹ Kim cương.
Tường thành bao quanh Điện Kremli, có tổng chiều dài là 2.235m. Trên mặt phẳng, các bức tường tạo thành một tam giác không cân đối.
Dọc theo tường thành là 20 tháp canh, với 3 tháp được xây dựng tại ba góc của tam giác có tiết diện tròn, các tháp còn lại có tiết diện vuông. Tháp cao nhất là Spasskaya với chiều cao 71 m.
Trong số 20 tháp của tường điện Kremli, các tháp công phu nhất đặt ở các góc hay lối ra vào chính của thành. Trong đó tháp bề thế nhất là tháp Frolov (sau này là tháp Spasskaya – Đấng cứu thế).
Ở góc đông nam của tường thành là tháp Beklemishevskaya, độc đáo với đường xoắn ốc bát giác.