Sửa trang
Cẩm Nang Du Lịch

Du lịch bụi châu Âu – Kinh nghiệm cho việc chuẩn bị và lên kế hoạch – HVN TRAVEL

8/12/2024 8:23:31 PM
5/5 - (0 )

Lịch trình cho chuyến đi châu Âu tự túc này của tôi:

Thời gian: 22 ngày (tính cả thời gian bay).

Các thành phố sẽ đi qua: Paris – Barcelona – Venice – Pisa – Florence – Rome – Athens – Santorini

Đi du lịch – phượt châu Âu là ước mơ đã được ấp ủ từ rất lâu, nhưng việc tôi quyết định đi chỉ cách thời điểm khởi hành có một tháng, nên công cuộc lên kế hoạch và chuẩn bị rất gấp gáp. Những việc cần chuẩn bị trước khi đi:

1. Xin visa Schengen

2. Công cuộc tìm hiểu thông tin:

Lịch trình:

Lịch trình vòng quanh châu Âu

Đi lại ở châu Âu

1. Bay Việt Nam – Châu Âu

Đi máy bay:

Do châu Âu là một cộng đồng khá gắn kết, nên việc di chuyển giữa các quốc gia khá dễ dàng. Với Visa Shengen bạn có thể đi lại tự do trong khối mà không cần phải xuất trình khi đi từ nước này qua nước khác. Di chuyển giữa các quốc gia có xe bus, tàu cao tốc, và máy bay. Cũng như việc book vé máy bay, đặt chỗ cho xe bus và tàu cao tốc càng sớm, thì giá càng rẻ. Với vé máy bay khứ hồi hà Nội – Paris có rất nhiều hãng hàng không cung cấp đường bay này, như Vietnam Airlines, Air France các hãng của Trung Đông (5 sao) như Qatar Airways, Etihad, Emirates, … mà nếu bạn dùng các công cụ tìm vé như Skyscanner, Momondo,.. Sẽ thấy cả một rừng luôn.

Giá vé khứ hồi trung bình Việt Nam – Châu Âu khi đặt trước tầm 1 tháng đến 15 ngày dao động trong khoảng $1000. Thi thoảng có những đợt siêu khuyến mại của các hãng này giá rẻ lắm, chỉ tầm $300-400 thôi nhưng bạn phải để ý, theo dõi nhận tin khuyến mại từ họ. Một cách nữa tiết kiệm chi phí là bạn có thể tự bay sang các nước Đông Nam Á như Bangkok hay Kuala Lumpur, rồi mua vé máy bay từ đây đi châu Âu, vé sẽ rẻ hơn kha khá đó.

2. Di chuyển giữa các quốc gia trong khối Schengen

Một chuyến hành trình kiểu này thì chi phí đi lại luôn chiếm phần lớn nhất và tốn kém nhất, để đảm bảo cho một chuyến du lịch châu Âu giá rẻ hay chí ít là hợp lý, bạn phải rất cẩn trọng và kiên nhẫn trong việc tìm và đặt vé. Do tôi lên kế hoạch khá gần với ngày đi nên không có vé rẻ nữa, đặc biệt là giá tàu điện cao tốc cao không tưởng, vì thế tôi quyết định đặt toàn bộ vé máy bay cho các chặng di chuyển giữa các quốc gia với nhau, giá cực tốt khi dùng các hãng hàng không giá rẻ:

  • Khứ hồi Hanoi – Paris: Qatar Airways (980€) (Có lúc vé HN-CDG chỉ tầm 400-600€ thôi!!!)
  • Chặng Paris – Barcelona: Transavia Airlines (55€)
  • Chặng Barcelona – Venice: Vueling Airlines (75€)
  • Chặng Rome – Athens: Ryanair (một trong những hãng giá rẻ nổi tiếng nhất châu Âu, chặng này tôi đặt chỉ mất 20 euro, thật kinh ngạc!)
  • Chặng Santorini – Paris: Aegean Airlines (Hãng hàng không của Hy Lạp – 146€)

Tôi đặt vé máy bay trước khi khởi hành hành trình, dù thời điểm đặt vé không được như ý nhưng giá vé cũng đáp ứng được một phần kỳ vọng của tôi. Để tìm hiểu tổng quan khi đi lại ở bất cứ đâu ở châu Âu bạn có thể vào trang rome2rio.com để tham khảo lịch trình và hình dung được cung đường mình có thể đi.

Thủ đô Rome – Italy
Đi tàu hoặc xe bus:

  • Đi bus: Nếu bạn nào có thời gian dài để chuẩn bị, bạn có thể cân nhắc việc đi xe bus với giá tốt và tiết kiệm được tiền phòng nghỉ nếu di chuyển trong đêm (nói là xe bus thôi chứ bus ở châu Âu hoành tráng lắm, nhiều hãng tiện nghi không khác gì khách sạn 5 sao). Bạn có thể đặt vé ở đây: http://www.eurolines.com/en/ (mua sớm sẽ có giá tốt), hoặc mua ở trang Flixbus: https://www.flixbus.com/ là trang có giá cố định nên không lo mùa cao điểm hay mua trễ.
  • Đi tàu (train): Đặc biệt với những ai di chuyển nhiều có thể mua cái Eurail Passescủa Raileurope, giống như mua trọn gói trong vòng 15 hoặc 30 ngày với giá cố định và đi thoải mái không giới hạn số lần đi. Bạn vào website của họ và chọn Eurail Global Pass để xem và mua Pass. Tuy nhiên cũng phải nói trước rằng đi bằng ô tô hay tàu thì khá là chậm, nhiều chặng mất đến nửa ngày đi, mà có khi lại không vào buổi đêm để tôi có thể tiết kiệm được thời gian. Nếu đi bằng tàu từng chặng lẻ thì mỗi khi đặt vé bạn nên vào trực tiếp website hãng tàu quốc gia của nước mà bạn định khởi hành, bạn có thể tham khảo bài về Kinh nghiệm đi du lịch bằng tàu ở châu Âu.
  • Mua vé qua Trainline: Một website đặt vé tàu mà bạn có thể cân nhắc khi muốn đi giữa các thành phố bên trong Thuỵ Sĩ hoặc đến các thành phố khác của châu Âu và ngược lại là Trainline.com. Web này cực kỳ tiện lợi, search được hầu hết các chặng tàu ở châu Âu, thậm chí cả tàu địa phương và đưa chọn bạn rất nhiều phương án chuyển tàu với mức giá và thời gian khác nhau.Trainline cực kỳ hữu ích nếu bạn muốn tìm những chặng dài phức tạp mà các website khác không làm được. Ví dụ như bạn muốn đi từ Lucerne đi Milan và ngược lại, hoặc đi từ Lucern đi Salzburg,.. Những chặng này bạn sẽ phải đổi tàu khá nhiều lần, bạn không biết cách sắp xếp? Trainline sẽ giúp bạn làm điều đó.

2. Đi lại trong nội bộ một nước

Đó là việc đi lại giữa các quốc gia châu Âu, còn việc đi lại trong thành phố hoặc trong nội bộ một nước thì đơn giản hơn, tôi đi chủ yếu bằng tàu điện ngầm. Hệ thống tàu điện ở Pháp là kinh khủng nhất, chằng chịt và các toạ độ đan chéo nhau rất nhiều. Sau đó là Barcelona, Rome, còn lại thì tàu ở Athens lại cực kỳ đơn giản. Ngoài ra việc di chuyển giữa các thành phố của Ý thì tôi đi tàu cao tốc, gồm chặng Venice – Florence – Pisa – Florence – Rome, được ngắm khung cảnh xung quanh khá thú vị, tôi cũng book trước ở nhà luôn ở trang Trenitalia, rất trực quan và dễ đặt.

Riêng chặng từ Athens ra đảo Santorini làm tôi cực kỳ đau đầu và phân vân, vì muốn được tận dụng thời gian tối đa đi chơi nên tôi muốn đi phà để tận dụng thời gian ngủ đêm trên đó. Tuy vậy tôi tìm đỏ mắt mà không thấy bất cứ một chuyến phà nào hợp với ý tôi, mà vé máy bay rẻ đi Athens tìm cũng đỏ mắt không có luôn, cuối cùng đành quyết định chiều đi Athens – Santorini tôi di chuyển bằng phà, chiều về sẽ bay từ đảo về Athens.

3. Đi phà ở Hy Lạp

Di chuyển bằng phà ở Hy Lạp thì các bạn có thể vào trực tiếp trang web như:

http://www.ferries.gr/, http://www.anek.gr/, http://greeka.com.

Tôi thì đặt ở Greeka.com, mất thêm 5 euro tiền phí nhưng được cái dịch vụ trang này khá tốt, tôi đặt nhầm 1 lần mà họ còn hoàn lại tiền cho tôi. Các bạn cần chú ý về điều kiện đặt vé nhé, thường thì các nhà thuyền vẫn cho đổi vé hoặc hoàn tiền nếu không sử dụng dịch vụ, nhưng phải đến đổi trước chuyến đi, và tuỳ vào từng mùa, mùa cao điểm du lịch điều kiện đổi sẽ khó khăn hơn. Đặc biệt là vé phà phải được in ra trước khi lên phà, nên khi bạn bay đến Athens cần đi bus đến ngay cảng Piraues để yêu cầu hãng phà in cho mình nhé.

Khách sạn/nhà nghỉ/hostel ở châu Âu

Việc nghỉ đêm đối với dân phượt thì có lẽ ai cũng từng có nhiều trải nghiệm thú vị . Trước khi đi tôi cân nhắc khá nhiều phương án ngủ nghỉ (chủ yếu dành cho dân phượt chứ bình thường thì cứ vào khách sạn cho nhanh):

Ở hostel: tôi tìm phòng ở khá nhiều trang như Booking.com, Agoda, hostelworld.com. Nhưng tôi chủ yếu đặt ở hostelworld vì trang này có điều kiện huỷ phòng tốt hơn, còn Booking.com thì trước 2-3 hôm mà huỷ phòng là họ trừ tiền của tôi rồi. Giá phòng ở châu Âu phụ thuộc vào mức độ đắt đỏ ở thành phố mà bạn ở, hàng đắt đỏ có thể kể ra như Paris, Rome, Venice, Thuỵ Sĩ,.. Còn rẻ hơn thì có Barcelona (thành phố đẹp mà sinh hoạt siêu rẻ ý), Berlin, Athens,… Nhìn chung giá phòng tính ra tiền Việt dao động tầm từ 250k-700k. Các nơi tôi đã ở và thấy rất ok, thường là khu trung tâm một chút, gần các ga tàu để đi lại cho nhanh và cũng cần có bếp để tiện mua đồ siêu thị về nấu.

1. Paris: Lúc đi: Aloha Hostel, 1 Rue Borromee, 75015 Paris, France (20€ – 1 đêm + 90€ tiền phạt đặt nhầm phòng). Do khu trung tâm Paris khá rộng nên việc đặt được hostel gần những điểm tham quan như Eiffel, Khải hoàn môn mà giá rẻ là không tưởng. Dù sao thì khách sạn này cũng là một lựa chọn tốt rồi, mất khoảng 30′ đi bộ đến tháp Eiffel.

2. Barcelona: Urbany Hostel BCN GO!, Gran Via de les Corts Catalanes, 563, Eixample, Barcelona, 08007, Spain (21€ – 2 đêm). Một hostel tôi cực kỳ ưng ý, nhân viên thân thiện, tầng 1 tối nào cũng có party sôi động và cách âm với phòng ngủ, khách đều là các nhóm bạn nước ngoài vô cùng vui tính, tán gẫu cả ngày cũng được. Phòng sạch sẽ tiện nghi, tầng hầm có bếp và tủ lạnh cho dân phượt, giá lại siêu tốt.

3. Venice: Nuova Locanda Belvedere, Via Mezzacapo 1, Marghera, Venice, Italy (61€ – 2 đêm). Venice là một thành phố đắt đỏ, trung tâm thành phố là những ngôi nhà nổi trên những con kênh nổi tiếng, và sẽ không có giá phòng rẻ khi ở đây. Vì vậy tôi quyết định chọn ở ngoại ô (tức là đất liền), chỉ mất 10 phút đi bộ đến ga tàu để bắt train vào trung tâm thành phố (khoảng 2€/lượt và mất 10′ tàu chạy).

4. Florence: Hostel Santa Monaca, Via Santa Monaca 6, Florence, Italy (20€ – 1 đêm). Khách sạn này được đánh giá khá tốt, cách ga trung tâm 10 phút đi bộ, giá cũng ổn, có đầy đủ bếp để nấu ăn, khu ăn uống và tán gẫu nói chuyện cũng rộng rãi thoải mái. Phòng của hostel này thuộc dạng khổng lồ, đến nỗi tôi cũng không đếm nổi trong đêm đó tôi đã ngủ với bao nhiêu chiếc giường bên cạnh nữa.

5. Rome: Discovery Hostel 247. Add: Via Cernaia 32, Stazione Termini, Rome, 00185, Italy (69€ – 3 đêm). Ông chủ vui tính, có vẻ khá thích người Việt Nam, cách ga trung tâm 10 phút đi bộ, khi đến ông chủ sẽ dẫn đến nơi tôi ở cách đó vài trăm mét. Phòng ở là một toà nhà cổ, thang máy kiểu sắt như bạn vẫn xem trong những bộ phim cũ của châu Âu, Mỹ. Tuy vậy bên trong rất sạch đẹp, phải nói là rất thú vị.

6. Athens: Zorbas Hotel, 10 Gkyilfordou St.Victoria Square Athens 10434, Athens (8€ – 1 đêm). Nhà nghỉ bình thường, đủ để ngủ, được cái lợi thế là nằm ngay trung tâm sát ga tàu điện ngầm và nằm giữa trung tâm thành phố, giá thì quá rẻ rồi, tôi cũng không thể hình dung nổi sao ở châu Âu lại có thành phố với khách sạn rẻ đến vậy. Lễ tân ở đây cũng rất nhiệt tình khi mà tôi cả đêm thức để sửa cái dây sạc điện thoại thì anh ta cũng thức và hỏi gì cũng giúp đỡ, cho mượn đủ thứ.

7. Santorini: Fira backpackers place, Fira downtown (30€ – 2 đêm). Trên đảo có 2 làng sầm uất nhất là Oia và Thira (Fira). Nhà nghỉ này nằm ở làng Thira, đông dân cư và giá cả rẻ hơn, có xe bus đưa đến làng Oia. Tôi thấy có cả bể bơi nhưng đã cạn nước, có lẽ mùa hè họ sẽ bơm nước ra chăng!

8. Paris (lúc về): Perfect Hostel, 39 rue Rodier, 75009, Paris, France (20€ – 1 đêm). Cũng tương tự như nhà nghỉ trước tôi ở Paris

Santorini

Ở nhờ: Thực ra thì tôi rất muốn du lịch kiểu khám phá văn hoá, nên trước khi đi tôi cũng cân nhắc đến việc sử dụng dịch vụ cho ở nhờ, tức là xin ở miễn phí nhà của người bản địa. Có 2 trang về dịch vụ ở nhờ là Couchsurfing và Airbnb, cái đầu thì là dạng đăng ký xin ở nhờ miễn phí, cái thứ 2 là dạng cho ở nhưng phải trả tiền (giá thấp hơn ở khách sạn). Tuy nhiên sau khi xin ở một số địa điểm mà chẳng ai cho thì tôi bỏ cuộc luôn! (Có lẽ là vì tôi mới đăng ký và lại là con trai đi một mình nên chưa đủ tin tưởng để họ cho tôi ở nhờ).

Để có thể được chấp nhận ở trên Couchsurfing thì bạn nên xây dựng một profile tốt vì đó là mạng xã hội ở nhờ có tính tương tác cao. Bạn phải là người được tin tưởng thì họ mới cho ở nhờ, vì vậy muốn tham gia sân chơi này thì ngay từ bây giờ bạn có thể kết bạn, làm host (là người cho người khác ở nhờ) ngay tại nhà mình. Hãy mở rộng vòng tay đón những bạn du lịch từ nơi khác đến, cho họ ở nhờ, tiếp đón tử tế và có thể làm tourguide cho họ nữa. Khi đó họ sẽ có những đánh giá tốt về profile cho bạn, càng nhiều đánh giá tích cực thì bạn càng có cơ hội ở miễn phí khi đi du lịch nước ngoài cao hơn.

Ngủ ở sân bay: tôi có một vài hôm phải ngủ ở sân bay vì sân bay ở cách khá xa thành phố, mà giờ bay buổi sáng thì lại quá sớm, hoặc có lúc thì lại có chuyến bay hạ cánh lúc nửa đêm ở sân bay, nên tôi cũng đành ngủ lại ở sân bay luôn để sáng hôm sau vào thành phố. Hầu hết những sân bay tôi ngủ đều rất an toàn dù có khá nhiều những sân bay nhỏ (bay của hãng hàng không giá rẻ mà!).

Về việc đặt phòng hostel thì tôi còn một kỷ niệm không thể quên với khách sạn Le Montclair Montmartre Hostel & Budget Hotel ở Paris. Đó là thời điểm tôi vẫn còn đang xin Visa Schengen, vì vậy tôi cần đặt trước một số khách sạn để đưa vào trong hồ sơn xin Visa (tất nhiên là những booking này tôi đặt đều là tạm thời và định sau khi có visa sẽ huỷ hết đặt lại). Lúc bấy giờ dù đã từng có kinh nghiệm đặt qua Booking.com, nhưng tôi lại quá chủ quan và không để ý đến các điều khoản huỷ phòng. Tôi đặt khách sạn Le Montclair đó 3 đêm ở Paris với tổng chi phí là 90 euro bằng thẻ tín dụng, nhưng lại không để ý rằng chính sách của họ là sẽ phải trả toàn bộ số tiền trên nếu không ở.

Một phần chủ quan của tôi ở đây là khi đặt phòng thì Booking.com lại chỉ yêu cầu số thẻ mà không yêu cầu mã số bảo mật CVC (3 chữ số đằng sau thẻ). Tôi lại cứ đinh ninh rằng dù có đặt sai thì họ cũng chẳng thể trừ tiền của mình được, nên là cứ đặt cho nhanh, mà còn chẳng quan tâm đến giá phòng nữa chứ (30euro/đêm là quá cao). Thôi xong, sau khi đặt xong kiểm tra lại thì phát hiện ra điều khoản huỷ phòng mà mình không ngờ đến, mà hầu như chắc chắn tôi sẽ không theo cái lịch trình mà gửi lên Đại sứ quán. Tôi bồn chồn lo lắng, hỏi thông tin khắp nơi mà nhận được phản hồi khá mông lung, có người thì nói rằng không điền mã CVC thì chẳng ai trừ được tiền của mình, có người thì nói rằng họ vẫn trừ được. Tôi đã xác định phương án báo huỷ thẻ rồi ấy chứ, thế mà cuối cùng lại nghĩ rằng mình cứ nói với họ (ý là khách sạn) về tình cảnh của mình, biết đâu họ sẽ hiểu và cho phép mình huỷ không mất tiền thì sao!)

Theo suy nghĩ đó, thế là tôi viết email gửi cho họ trình bày về tình cảnh của mình, và hy vọng vào lòng tốt của họ. Vậy mà bất ngờ thay, họ chỉ email lại và nói đơn giản rằng tôi sẽ bị trừ toàn bộ tiền đặt phòng nếu không ở, rồi chỉ vài phút sau, điện thoại báo tin tôi đã bị trừ 90 euro trong thẻ tín dụng. Rất tức giận tôi đã email lại cho họ và phàn nàn rằng tôi sẽ ở khách sạn của họ, tại sao họ lại trừ luôn tiền của tôi vào lúc này. Không có hy vọng gì, họ không trả lời, và tiền tôi thì đã bay, một bài học đau đớn. Họ không cần mã CVC cũng trừ được tiền trong thẻ của tôi, lẽ ra tôi lặng im và huỷ thẻ thì đã chẳng sao rồi. Kể từ đó tôi có ngay một ấn tượng không hay lắm về đất nước Pháp, mặc dù biết rằng họ quá dân chủ và fair trong mọi việc, lỗi ở mình là không chịu đọc kỹ trước khi đặt phòng mà thôi..

 

Barcelona – Travelpx.net

Ăn uống ở châu Âu

Tôi dễ tính chuyện ăn uống, đi đến đâu tính đến đó, và hầu như toàn ăn bánh mỳ (sandwich) là chủ yếu. Thường thì các hostel ở châu Âu đều có bếp riêng dành cho dân du lịch bụi nên chỉ hôm nào quá bận và về muộn tôi mới ăn linh tinh ở ngoài, thưởng thức các món ăn địa phương chứ tôi cũng hay mua đồ siêu thị về nấu lắm. Đồ mình tự nấu thì nhiều khi cảm thấy cũng rẻ và nhiều hơn so với ăn ở ngoài. Nếu ăn tiết kiệm thì chi phí ăn uống một ngày tầm 10-15 Euro là hoàn toàn có thể. Nhưng bạn nên tìm hiểu những món ăn địa phương và nhất định phải thử để hiểu thêm văn hoá ẩm thực nơi mình đến, đó cũng là những trải nghiệm không thể nào quên và không thể thiếu trong mỗi chuyến hành trình.

Điện thoại, công nghệ hỗ trợ

Thời đại này thì chiếc smartphone thực sự là công cụ cực kỳ đáng giá và gần như không thể tách rời. Rất nhiều công dụng hữu ích mà chiếc iphone có thể mang lại và thay thế hẳn được một chiếc laptop, như bạn có thể check-in online các chuyến bay, đặt phòng, đặt vé máy bay, vé tàu. Kể cả vé điện tử của các chuyến tàu chuyến bay bạn cũng có thể lưu lại trong Iphone để khi ra sân bay đưa vào máy quét là có thể qua cửa kiểm tra được rồi. Nhưng tôi cũng khuyến cáo các bạn nên lên kế hoạch tỉ mỉ, cẩn thận in trước tất cả những booking khách sạn, máy bay và mang theo một quyển sổ nhỏ ghi lại những thông tin quan trọng để đề phòng trường hợp điện thoại gặp trục trặc. Một chuyến đi dài mà, mọi chuyện đều có thể xảy ra không lường hết được.

Một số phần mềm về du lịch cần phải có trong chiếc smartphone của tôi:

  • Maps.me: Soft này gần giống như Google map, nhưng hữu ích hơn ở chỗ là tôi có thể sử dụng offline được.
  • GoEuro: Cho phép bạn tìm kiếm các phương tiện đi lại giữa 2 địa điểm ở châu Âu ngay tại thời điểm searching, có cả thông tin và giá tiền.
  • Evernote: Ghi chép lại cuộc hành trình của tôi, đồng thời có thể lưu lại các thông tin về các nơi tôi đang đến. Ngoài ra tôi còn copy toàn bộ bộ Europe on Shoestrings vào máy để nghiên cứu dần.
  • Bản đồ tàu điện của các thành phố lưu sẵn về máy trước khi đi.

 

Những người bạn mới trong chuyến đi châu Âu

3. Chi phí:

Chi phí đi lại:

– Tổng các chặng bay: 1.276€
– Tàu Venice – Florence – Rome: 48€
– Phà Athens – Santorni: 43€ (gồm 37,5€ tiền vé và tiền linh tinh)
– Bus/train trong thành phố: chi phí này thường tốn khi mà di chuyển nhiều từ sân bay vào trung tâm (thường 10€/lượt), còn train thì cũng khá rẻ, tầm 2-3€/lượt.

Chi phí khách sạn: 339€

Chi phí tham quan: tôi có tham quan một số bảo tàng hay thắng cảnh như leo lên Arc de Triomphe (9€), xem tượng David (21€), đấu trường Colosseum (14€), thăm sân Camp Nou ở Barcelona (23€), v.v..

Chi phí ăn uống, tiêu linh tinh: Cái này thì tôi cũng không thống kê lại, thông thường chỉ hết tầm trên dưới 10euro/ngày vì ăn uống đạm bạc và mua đồ về hostel nấu.

4. Những vật dụng cần thiết trong balo trước khi lên đường:

– Đồ ăn cho chuyến bay đầu tiên đến Paris (tránh bị chém ở sân bay)
– Tài chính: 3 thẻ credit card, 1 thẻ debit, tiền mặt tầm 2000 Euro.
– Giấy tờ tuỳ thân: Ví, Thẻ tín dụng, hộ chiếu, bằng lái xe.
– Máy ảnh: 1 body vs 2 lens 16-35, 135. Nhớ mang tripod, dây bấm mềm, filter, 2 pin, 2 thẻ nhớ, đồ vệ sinh máy.
– Vật dụng cá nhân: Quần áo, bàn chải, khăn, ổ điện đa năng, USB dự phòng, kính râm. Quần áo thì tôi mang thêm một vài bộ áo khoác kiểu Uniqlo nhẹ mà ấm, vì không muốn balo mang theo quá nặng mà thời tiết châu Âu lúc tôi đi vẫn còn rất lạnh, có hôm xuống dưới 10 độ C.
– In toàn bộ booking máy bay, ferry, khách sạn, bảo hiểm du lịch.

Hiện tại an ninh ở các sân bay quốc tế đang được thắt chặt và việc kiểm tra hành lý ở hải quan họ làm rất gắt gao, vì thế các bạn đi qua cửa hải quan nhớ tránh mang các vật dụng bằng kim loại như dao kéo, các loại chất lỏng kể cả nước uống hay sữa tắm, kem chống nắng. Ngoài ra theo kinh nghiệm của tôi thì mặc dù các hãng hàng không giá rẻ có quy định về cân nặng hành lý xách tay (thường 7kg) và kích cỡ hành lý, nhưng khi tôi đi qua khu soát vé giữ ý không để hành lý quá cồng kềnh, thì việc có quá cân một chút hay cầm thêm một hai túi đồ nhỏ bên ngoài cũng không làm sao. Đặc biệt khi bay xuyên lục địa của các hãng lớn như Qatar Airways mà tôi đi thì bạn cứ thoải mái mang đồ nhé, dịch vụ 5 sao nên không để ý hành lý của bạn có cồng kềnh hay không đâu.

5. Một số kinh nghiệm rút ra

Kế hoạch tổng thể:

Các chuyến đi du lịch bụi châu Âu thường kéo dài từ khoảng 2,3 tuần đến tầm 2 tháng, ai là dân chuyên nghiệp còn đi đến 5-6 tháng. Với những người đi siêu lâu đến vài tháng thì không nói làm gì vì kế hoạch của họ khá mở, dễ dàng thay đổi. Nhưng với những người nghiệp dư như tôi đi chỉ tầm 1 tháng thì mọi thứ đều phải chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng. Kinh nghiệm là khi đã manh nha ý tưởng, hay quyết định thật sớm để chốt thời gian đi, khi đó việc chuẩn bị sẽ dễ dàng hơn nhiều. Chi phí tàu xe vé máy bay sẽ rẻ đi rất nhiều vì thường vé tàu ở châu Âu mua càng sớm càng rẻ. Đẹp nhất là cố gắng quyết định đi trước trước 3 tháng, làm visa và lấy visa xong còn 2-2.5 tháng. Khi đó lên kế hoạch là đẹp nhất vì đó là thời điểm các hãng tàu ở châu Âu bắt đầu mở bán.

Chi phí:

Với những ai chưa đi bao giờ thường nghĩ châu Âu là một nơi xa xôi và khó đi, chi phí lại rất cao nữa. Nhưng khi đã quyết tâm thực hiện, tìm hiểu kỹ thông tin thì mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều. Hãy tìm hiểu, tìm hiểu và tìm hiểu, tất cả đều không thừa chút nào. Vé tàu xe máy bay đi lại bạn đặt càng sớm càng tốt, tìm hiểu xem đi thế nào trong một quốc gia, một thành phố thế nào cho rẻ nhất. Trước khi tham quan mỗi thành phố chừng 2-4 ngày bạn nên có kế hoạch đi lại trước, xem nên đi như thế nào, từng ngày ra sao, cả chi phí tham quan, vé vào cửa nữa xem có mẹo nào tiết kiệm không. Thường ở các thành phố châu Âu họ có vé ngày, vé đi lại nhiều chuyến giá rẻ hơn so với đi từng chuyến, hoặc đi theo nhóm nhỏ, với ai trẻ tuổi (dưới 26 tuổi) giá còn giảm nữa.

Với một chuyến du lịch bụi châu Âu tầm 1 tháng mà muốn đi theo dạng siêu tiết kiệm cũng không phải là quá khó, tầm ngân sách 50 triệu là hoàn toàn có thể được nếu có kế hoạch sớm. Bay Việt Nam – Châu Âu chỉ tầm 10tr khứ hồi, đi tàu/máy bay rẻ chỉ tầm 20-30Eur/lượt, ăn uống 10-15Eur/ngày, ở Couchsurfing không mất phí, điều đó khả thi mà. Nhưng cũng không nên tiết kiệm quá, ăn uống chi tiêu dè sẻn nhưng những thứ phải trải nghiệm thì tôi nghĩ mình bắt buộc phải trải nghiệm. Tận hưởng và trải nghiệm, đó mới là cái đích của việc du lịch.

An toàn:

Châu Âu là một xứ sở an toàn, trước giờ vẫn như vậy mặc dù hiện nay có hơi lộn xộn một chút vì tình trạng người nhập cư, khủng bố. Tuy vậy thì nạn móc túi ở đây xảy ra rất nhiều, cả cướp giật, lừa đảo giữa ban ngày nữa. Chúng luôn thực hiện vào những lúc bạn không thể ngờ nhất, có khi một kẻ ăn mặc đứng đắn, lịch sự, mới chỉ tiếp chuyện vui vẻ với bạn cách đây vài phút thôi sau đã trở thành kẻ lấy mất đồ của bạn rồi. Hãy luôn cảnh giác, để tiền ở nhiều nơi trên người, những thứ quan trọng như hộ chiếu phải giữ thật cẩn thận. Những thành phố với nạn móc túi hoành hành như Paris, Rome, Barcelona…

Còn về ở hostel, ngủ chung thì cũng không phải là vấn đề lớn lắm, hầu hết những hostel, khách sạn ở châu Âu tôi thấy đều khá an toàn. Điều quan trọng là bạn nên tìm hiểu kỹ về nơi mình định ở khi đến thành phố đó, xem review từ những khách du lịch trước để hiểu hơn và đảm bảo sự an toàn của mình một cách tối đa. Nên sử dụng Booking.com để đặt phòng vì đây là nơi đặt phòng gần như tốt nhất trên thế giới, giá luôn thuộc hàng rẻ nhất và chỉ có những người đã thực sự bỏ tiền, ở tại khách sạn mới được review về khách sạn đó. Điều này khác xa với Trip Advisor, nghe thì có vẻ lớn và lượng review nhiều đấy, nhưng cũng không ít những reviewer fake trên đó, có thể là nhân viên khách sạn, người cung cấp dịch vụ giả làm khách du lịch lên nói tốt cho mình và nói xấu cho người khác.

Để chuẩn bị cho một chuyến đi dài và xa xôi như du lịch phượt châu Âu thì việc lên kế hoạch, vẽ hành trình chi tiết và lường trước mọi vấn đề là vô cùng quan trọng. Hy vọng bài viết này sẽ giúp ích được một phần nào cho những bạn đang ấp ủ ước mơ như mình. Những biến cố, rủi ro, trải nghiệm trên những con đường ở châu Âu các bạn đón đọc qua loạt bài ký sự tiếp theo đây của tôi nhé.

* Note: Trong tình trạng châu Âu bất ổn về nạn nhập cư và họ làm rất chặt ở hải quan sân bay, các bạn rất cần chú ý về các vật dụng mình mang lên máy bay, tuân thủ và chuẩn bị thật kỹ càng cẩn thận các điều kiện ở sân bay về vé máy bay, hộ chiếu và các thủ tục check-in check-out. Khi nhập cảnh vào châu Âu cũng chuẩn bị sẵn các câu trả lời mà họ có thể hỏi ở sân bay, lịch trình và các booking khách sạn cần thiết.

Mr Tuấn Zalo
0902286811