Lễ hội đấu vật dầu olive là một trong những lễ hội truyền thống độc đáo, sôi động nhất thổ nhĩ kỳ. Tại lễ hội này, các đấu sĩ chỉ mặc quần ngắn, nửa thân trên hoàn toàn để trần, phủ đầy dầu olive bóng loáng và trong khi họ chiến nhau để tìm ra người thắng cuối cùng thì bạn có thể tha hồ… ngắm trai đẹp 6 múi ở trần thỏa thích đấy.
1. Đấu vật dầu bắt nguồn từ binh sĩ Ottoman
Môn đấu vật dầu olive hay còn được người Thổ gọi là đấu vật Kirkpinar, đấu vật dầu Kirkpinar, là môn thể thao đã có gần 700 “tuổi”, thường được tổ chức vào đầu tháng 7 mỗi năm, ở tại thị trấn Edirne của Thổ Nhĩ Kỳ.
Đấu vật dầu đầy lôi cuốn
Lễ hội không chỉ là niềm tự hào của người Thổ, được dân bản xứ ủng hộ nhiệt liệt mà các du khách trên khắp thế giới cũng đặc biệt chú ý, thường chọn thời gian này đến Thổ Nhĩ Kỳ du lịch để có thể hòa mình vào không khí vui mừng, nhộn nhịp của lễ hội đầy nam tính này đấy.
Quay trở về nguồn gốc của nó, có khá nhiều truyền thuyết được người dân Thổ truyền tai nhau về sự ra đời của lễ hội nhưng truyền thống được tin tưởng nhất là câu chuyện đấu vật của binh sĩ thời đế chế Ottoman.
Theo truyền thuyết này, vua Orhan Gazi của đế chế Ottoman đã cùng 40 chiến binh dũng mãnh của mình thực hiện một cuộc chinh phạt, mở rộng lãnh thổ qua vùng đất Thrace, đến tận biên giới Hy Lạp và sau khi kết thúc cuộc chiến, trên đường trở về, trong những buổi dừng chân của đoàn quân, các binh sĩ của ông đã chọn chơi trò đấu vật để tiêu khiển trong những lúc nhàm chán.
Trong các binh sĩ đó có 2 người anh em đấu vật giỏi nhất là Selim và Ali, họ đã thực hiện cuộc đấu vật tới hàng giờ liền mà không thể tìm ra người chiến thắng, trận đấu vật đó còn kéo dài tới dịp lễ hội mùa xuân.
Đô sĩ dũng mãnh như chiến binh Ottoman xưa
Đến lúc này vua Orhan Gazi để “kích” tinh thần cho 2 đấu sĩ đã hứa tặng cho người chiến thắng 1 chiếc quần da và lúc đó 2 người đã quyết chiến từ buổi sáng sớm đến nửa đêm, thời gian dằn co quá lâu khiến cả 2 đều đuối sức, cuối cùng cả 2 anh em đều chết.
Thương tiếc cho tinh thần, sự dũng cảm của họ, vua Orhan Gazi đã chôn 2 anh em dưới 1 cây sung rồi rời đi, sau nhiều năm, khi những người bạn quay lại đó thăm mộ đã phát hiện có 1 dòng suối mát chảy ra từ phần mộ, họ đã gọi dòng suối đó là Kirkpinar, chữ này có nghĩa là 40 con suối, 40 binh sĩ của lữ đoàn anh hùng năm nào.
Sau đó, người Thổ tiếp tục duy trì môn thể thao đấu vật truyền thống này và đặt nó dưới cái tên Kirkpinar để tưởng niệm, để vinh danh hình ảnh chiến binh dũng mãnh Ottoman.
2. Dầu olive và quần bằng da trâu nước nặng tới 12 kg
Đấu vật dầu Kirkpinar được tổ chức người Thổ tổ chức quanh năm ở nhiều địa phương, có tới 40 giải thưởng lớn. Trong đó, giải cao nhất là Kirkpinar, giải đấu vật hội tụ tầm 1000 đô sĩ, thi đấu trong vòng 3 ngày để tìm ra quán quân cuối cùng.
Trong lễ hội đấu vật này, mọi đô sĩ đều có thể tham gia bất kể vùng miền, tôn giáo, lứa tuổi nên nó được người dân Thổ nhiệt liệt hưởng ứng, sự hấp dẫn của nó lớn đến mức quy tụ đến hàng triệu người theo dõi, nhiều người còn bỏ công việc, thời gian, vượt qua hàng ngàn cây số để “tận mục sở thị” các trận vật máu lửa. Ngay cả tổng thống của Thổ Nhĩ Kỳ còn đến xem và tận tay trao giải cho quán quân của lễ hội.
Độ tuổi đấu vật ngày nay từ 12 đến 40 tuổi
Có năm nếu có giải dành đai vàng 14 carat nặng đến 1.5 kg – 1 niềm mơ ước, tư hào mà mọi đấu sĩ đều muốn đạt đến. Người dân thường rủ nhau rước đai vàng dạo qua phố phường, ca hát, khua chiêng, thổi kèn, gõ trống đầy sôi động để cổ vũ tinh thần các đấu sĩ.
Giải đấu vật dầu olive có tổng cộng 13 hạng thi đấu – giải đấu, giải hạng nặng cân nhất là Bas Pelihvan, thấp hơn Bas Pelihvan là Basalti, tiếp đó có Buyuk Orta, K Orta Kucuk… Để đánh giá ai thuộc giải đấu nào các trọng tài ngoài đánh giá cân nặng còn đánh giá cả thành tích và độ tuổi.
Độ tuổi đô sĩ ngày xưa từng trải dài từ 7 tuổi đến 70 tuổi nhưng hiện nay độ tuổi đô sĩ thu gọn từ 12 – 40 tuổi, phân lịch thi đấu, thường ngày đầu là giải hạng nhẹ nhất và 2 ngày sau là các hạng nặng hơn.
Quy định về luật đấu vật Kirkpinar đã thay đổi không ít sau gần 700 năm nhưng về cơ bản nó không khác mấy so với luật thi đấu của thời La Mã và quy định của Olympic ngày nay.
Mỗi trận đấu có thời gian không quá 40 phút, sau 40 phút nếu chưa có người thắng cuộc sẽ đấu thêm 15 phút để phân thắng bại. Đô sĩ sẽ chiến thắng khi người đó làm đối thủ ngã xuống đất/chạm vai xuống đất, cũng có thể thắng khi đô sĩ nâng bổng hay nhấc rê đối thủ khoảng 4 bước. Sau khi đô sĩ chiến thắng, nếu người thắng nhỏ tuổi hơn người thua thì người thắng phải hôn tay người thua để thể hiện sự tôn trọng…
Những anh chàng đô sĩ bóng loáng giữa sân đấu
Các quy định, người tham dự tuy có điểm thú vị nhưng nó không phải là điểm độc đáo nhất của đấu vật truyền thống của Thổ, điểm đặc sắc làm nên “thương hiệu” của giải đấu là nó sử dụng dầu olive như 1 “công cụ hỗ trợ”, tăng độ khó cho giải đấu.
Khi đi du lịch Thổ Nhĩ Kỳ và đến lễ hội này, bạn sẽ cực bất ngờ và thích thú khi nhìn thấy các đô sĩ tưới lên mình cả lít dầu olive, cơ thể họ trơn trợt, bóng loáng dưới ánh nắng đến 40 độ C của ngày hè.
Vì trơn bóng nên các đô sĩ rất khó bắt được đối thủ, thời gian thi đấu cũng kéo dài hơn đấu vật thông thường, họ cần sử dụng kỹ thuật, tính dẻo dai mới có thể quật ngã được đối thủ. Đặc biệt độ khó còn nâng cao hơn khi các đô sĩ phải mặc quần da Kispet truyền thống mà binh sĩ Ottoman đã từng sử dụng vào ngày đầu môn thể thao ra đời.
Nó được làm bằng chất liệu da trâu nước, nặng tận 12 kg, sự kết hợp của dầu và quần da khiến các đô sĩ phải gồng mình chiến đấu, điều đó giúp chiến thắng đó càng thêm ý nghĩa và đặc biệt.
Nhà vô địch và chiếc đai vàng của anh ta
Các chiếc quần Kispet thường được đặt trong giỏ mây Zembil, mỗi lần đấu xong, các đô sĩ đặt quần trong giỏ này và đem đi ngâm nước, giặt sạch để dùng cho những lần sau. Giỏ Zembil còn có 1 công dụng khác là khi 1 đô sĩ treo giỏ Zembil lên tường, điều đó chứng tỏ anh ta đang muốn thông báo với mọi người, mình muốn giải nghệ, không đấu vật dầu nữa.
Vào ngày thứ ba, người đạt quán quân của giải đấu vật sẽ được trao đai vàng và anh ta được giữ nó trong 1 năm, nếu thắng liên tục trong 3 năm thì anh ta sẽ được giữ đai vàng suốt đời. Từ khi môn thể thao này ra đời, chỉ có 1 đô sĩ làm được điều này và chuyện đó cũng đã qua gần 20 năm.
Ngoài đai vàng, người chiến thắng còn nhận 100 nghìn đô và tất nhiên là sự kính ngưỡng từ người dân Thổ yêu đấu vật, những đứa trẻ thường xem người chiến thắng giải đấu vật là anh hùng, họ tôn sùng nhà vô địch, xem anh ta là thần tượng.
Ngắm nhìn hình ảnh và đọc câu chuyện về lễ hội đấu vật dầu olive có làm bạn “xao động” muốn bắt ngay chiếc vé máy bay đến Thổ Nhĩ Kỳ đầu tiên để xem tận mắt giải đấu nam tính này chưa? Nếu có, đặt tour du lịch vào tầm tháng 7 mỗi năm để tận hưởng mùa lễ hội đấu vật đầy sôi trào, hấp dẫn nhé.