Có tuổi đời hơn 800 năm, từng viên gạch, từng miếng ngói bên trong cổ trấn Lệ Giang vẫn được gìn giữ nguyên vẹn bản sắc để du khách như được sống lại trong quá khứ khi đến đây. Nét cổ kính, truyền thống hay độc đáo với ấn tượng mờ ảo, du khách sẽ khó mà phân biệt được đâu là cảnh trong mơ hay ngoài đời thực.
Lệ Giang cổ trấn có hơn 800 năm lịch sử, được Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới. Ảnh: T. L.
Thông thường du khách có thể di chuyển đến đây bằng nhiều phương tiện. Nếu đi đường bộ thì từ Hà Nội, du khách sẽ đi tàu hỏa đến Lào Cai, xuất cảnh và đi tiếp tàu tới Côn Minh (Kunming) rồi lại di chuyển tới Đại Lý (Dali). Từ Đại Lý, du khách bắt xe hoặc tàu tới thẳng Lệ Giang (Lijiang). Hành trình này sẽ mất khoảng 2 – 3 ngày.
Sân bay Lệ Giang.
Nếu có điều kiện hơn, du khách có thể bay từ Hà Nội thẳng tới Thành Đô (Chengdu), từ đó đi xe tới Lệ Giang, chi phí tuy đắt hơn đường bộ nhưng sẽ rút ngắn thời gian di chuyển cho du khách xuống còn khoảng 1 ngày đêm.
Cổ kính và đậm nét truyền thống là những điều du khách có thể cảm nhận được khi đến du lịch tại Lệ Giang.
Tên gọi khác của Lệ Giang cổ trấn là “Đại Nghiên cổ trấn”, có diện tích khá rộng lớn, bao gồm khu đô thị mới (New Town) và Lệ Giang cổ trấn. Trong đó, Lệ Giang cổ trấn lại bao gồm 3 trấn cổ nhỏ khác là Đại Nghiên, Thúc Hà và Bạch Sa. Đặc biệt, Đại Nghiên cổ trấn có lẽ là tên quen thuộc với hầu hết dân bản địa nơi đây mỗi khi du khách nhắc đến.
Nước xanh biếc là tuyệt phẩm của Lệ Giang vào mỗi mùa thu.
Đặt chân tới Lệ Giang, du khách sẽ cảm nhận được đây là một thành phố cổ tuyệt đẹp về phong cảnh và lịch sử, nơi sinh sống của các dân tộc Bạch (Bai), Nạp Tây và Tạng (không phải Tây Tạng).
Nơi có phong cảnh hữu tình và những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc khác nhau hòa quyện thành một cảnh sắc cổ kính với những giá trị nổi bật.
Lệ Giang luôn thu hút du khách bởi các góc phố cổ xửa.
Nằm ở độ cao 2.400m, trên cao nguyên Vân Quý có diện tích khoảng 3,8km, Lệ Giang nổi tiếng về hệ thống đường thủy và cầu cống. Với 354 chiếc cầu bắc trên hệ thống sông Ngọc Hà trong nội thành, tỉ lệ 1km2 sẽ có 93 chiếc cầu, Lệ Giang rất phù hợp khi được gọi là cổ trấn của những cây cầu hay thành phố cổ từ những cây cầu.
Các kiến trúc được xây dựng từ thời Tống – Nguyên vẫn còn giữ sự nguyên vẹn cho đến tận hôm nay.
Về thời tiết của Lệ Giang lại rất biết chiều lòng du khách, nhưng đẹp nhất phải kể đến mùa thu, khi lá đổi sang màu vàng, nước trong hồ có màu xanh lục siêu phẩm. Còn vào mùa đông, tuyết trắng quanh năm trên đỉnh núi Ngọc Long hùng vĩ.
Sử dụng hoàn toàn tiếng bản địa, du khách không biết tiếng Trung tương đối gặp khó khăn khi du lịch tại đây, nhưng khi khắc phục được và được nghe dân bản xứ kể lại thì mới biết rằng, cái tên Đại Nghiên có nghĩa là nghiên mực lớn, tựa như địa lý nơi đây vậy.
Nước từ trung tâm chảy theo những con mương nhỏ len lỏi đến mọi nơi trong thành cổ, tạo nên một trấn cổ có một không hai của Trung Quốc, cũng như toàn thế giới.
Vẻ đẹp của Lệ Giang được nhìn từ trên cao.
Rất dễ lạc khi đi vào sâu bên trong trấn, du khách cần chuyển bị một bản đồ để có thể di chuyển thuận tiện hơn. Ngoài ra, lời khuyên nhỏ cho du khách là nên chuẩn bị sẵn pin điện thoại trước khi đi thăm thú tại Lệ Giang cổ trấn.
Đơn giản là vì đâu đâu cũng là cảnh đẹp, từ những ngôi nhà được thiết kế truyền thống, tới những đoạn đường gạch đá nhấp nhô, hay các bậc cầu thang cũng được giữ nguyên dạng từ những năm xây dựng thời Tống – Nguyên sẽ khiến du khách ghi lại cho mình nhiều hình ảnh đẹp làm kỷ niệm.
Nằm ở trên cao nhất ở trấn, là một “tháp” cho phép du khách thỏa thích ngắm cảnh toàn bộ Lệ Giang thật dễ dàng. Với chi phí là 50 tệ (khoảng 170 nghìn đồng), du khách sẽ đi bộ 500 bậc đồi để lên tới đỉnh “tháp”.
Nếu leo trèo không phải lựa chọn của du khách thì gần cổng vào, cũng có rất nhiều quán cà phê nhạc sống giúp du khách thư giãn, sống chậm lại và có thể ngắm toàn cảnh cổ kính và đậm tính truyền thống này.
Lệ Giang huyền ảo trong đêm, luôn nhộn nhịp và tấp nập.
Cuộc sống về đêm của Lệ Giang cũng rất lung linh và nhộn nhịp. Khi ánh nắng bắt đầu tắt, giữa không gian mờ mờ ảo ảo, đứng từ trên cao, ngắm nhìn những mái nhà cổ xưa hiện lên giữa vùng đất rộng lớn, du khách sẽ có cảm giác như mình đang lạc về quá khứ.
Dạo bộ quanh thị trấn lúc nửa đêm, du khách sẽ thấy rằng, nơi đây mang một vẻ đẹp khác hoàn toàn. Người đông hơn ban ngày, không còn sự tĩnh lặng yên ả, đường phố trở nên nhộn nhịp và rộn ràng.
Đúng vậy, theo người bản xứ, buổi tối mới là thời điểm sôi nổi và đông đúc nhất của cổ trấn, nhiệt độ ngoài trời về đêm thấp hơn ban ngày nhưng khung cảnh đường phố tấp nập sẽ khiến cho du khách quên hết cái lạnh buốt nơi đây.